Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

NHUNG NAI, HƯƠU THẦN DƯỢC NÚI CẤM

Thần dược núi cấm!
Hai chứng bệnh khó nói y học gọi là chứng tiết tảo (xuất tinh sớm) hay dương nuy (liệt dương) phải dự theo phương thuốc: lộc hươu ngâm rượu. Cái phương thuốc này dân nhà nghèo nghe không dám hỏi lại bởi giá 100g loại hảo hạng (Nhung Yên Ngựa) cỡ 1,2 triệu đến 1,5 triệu bạc. Còn rượu lộc hay nhung nai bèo nhất cũng không dưới 3 trăm ngàn đồng một lít. Tôi đã lên vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh để ngắm... "thần dược"! .

Nhung Hươu, thần dược núi cấm!Bỏ ra bạc triệu, “chuyện gì”... cũng xong!
Cách đây hơn chục năm, vùng đất Hương Sơn chỉ lèo tèo vài hộ nuôi hươu nhưng nay đã phát triển rầm rộ lan rộng cả vùng. Tất cả cũng từ cái hữu sự của lộc nhung. Ông Nguyễn Văn Trung, người có công gầy dựng đàn hươu nai tại vùng Hương Sơn: "Tới ngày cắt nhung chú về đây vui lắm. Lịch là a ri - tháng giêng, tháng hai cắt nhung hươu. Dừ có nhiều hộ nuôi gần 100 hươu rồi. Nuôi nhiều rứa mà lộc nhung không đủ bán, muốn mua phải hẹn trước cả mấy tháng khung là nỏ có mô".


Nghe vậy, tôi nghĩ thầm: "thần dược" chắc rằng có linh nghiệm. Cũng vì có thị trường thế nên việc nuôi hươu lấy lộc nhung lan cả sang nhiều tỉnh thành trong cả nước. Mới hôm thứ bảy rồi, ông Trung sang xóm bên để thao tác cắt lộc nhung cho một hộ liên kết. Theo chân ông Trung, tôi đã có mặt ở nhà anh Bình - chủ nuôi hươu đầu tiên ở xóm 6, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn. Chúng tôi chứng kiến tận mắt cảnh cắt nhung hươu và thấy ông Trung nói đúng. Cặp nhung hươu trên 380g (3,8 lạng) mà anh Bình vừa cắt xong đã được anh Mỹ chủ doanh nghiệp ở TP.Hà Tĩnh bỏ 5,5 triệu đồng mua cái rụp. Anh Mỹ cho biết, anh mua về vừa ngâm rượu, vừa cắt lộc nhung nấu cháo ăn chơi để bồi dưỡng sức khỏe cho những người thân bởi công dụng bồi bổ, chữa bệnh của nhung hươu nghe sách vở đã đề cập từ lâu rồi.

Cũng theo lời anh Mỹ, thì lộc nhung có tác dụng giúp người bệnh ăn ngủ ngon, giảm mệt mỏi, những vết thương chóng lành, tăng sức lợi niệu, bổ tủy ích huyết, các chứng băng lậu ở nữ, nam giới hư lao, nhung có tác dụng tốt với các bệnh tim, nhược năng, bệnh thần kinh thực vật... Tôi lại trộm nghĩ: bỏ bạc triệu ra mua hèn chi "nghiên cứu" sách vở dữ vậy ! Nhưng không phải nhung nai này xài ra sao cũng được. Theo ông Trung, nhung khi vừa cắt xong mà ngâm rượu (đúng 7 ngày sau mới được uống) hay nấu cháo ăn liền thì hiệu quả càng dữ. Một  lạng nhung tốt nhất là ngâm đúng 3 lít rượu, nhưng khi sử dụng hết rượu thì lộc nhung đó không còn giá trị. Nhiều người tiếc của cứ ngâm đi ngâm lại nhưng ngâm... thuốc rượu chỉ phí công. Một con hươu hay nai cắt lộc xong chỉ một năm sau lại mọc lên tiếp, lộc nhung dài hay ngắn tùy theo người chủ nuôi có chăm sóc tốt hay không.

Thú nuôi trại “linh nghiệm” hơn thú hoang dã
Đọc truyện, xem phim hay thấy trước đây các bậc vua chúa, trưởng giả có cái thú tiêu khiển săn hươu, nai. Hóa ra, một công đôi việc. Không gì bổ bằng hai loài này. Khi săn được hươu cái sắp đẻ người ta mổ bụng lấy bào tử hươu, nai sấy khô tán bột dùng ngâm rượu uống để phục vụ cho việc phòng the. Nghe nói công dụng bồi bổ, tráng dương, tăng lực cũng không kém gì nhung hươu. Cái sự mạnh mẽ của con hươu, nai. Cũng suy diễn từ khả năng thống lãnh quần thoa của chúng. Trong thiên nhiên, một con hươu đực khi đánh bại các đối thủ sẽ được suy tôn làm thủ lĩnh dẫn dắt bầy đàn có khi cả trăm con cái. Một mình phủ giống nòi thế nhưng đương sự vẫn hoạt động bền bỉ lâu dài. Sức mạnh đó là bắt nguồn từ cặp sừng và lộc thận. Trước đây thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông y Viện 108, trong bài thuốc hay Đông y có đề cập công dụng của lộc nhung nếu pha chế với một vài vị thuốc khác sẽ bổ thận ích tinh, cường gân bổ tủy, dùng để chống các bệnh như tảo tiết, hoạt tinh, dương nuy, lưng đau gối mỏi, hay quên do thân dương hư nhược... đã khiến các quý ông suýt xoa, phấn khởi thầm.
   
Nhung Nai
 
Ngoài lộc nhung thì lộc thận (dương vật) hay lộc tiền (bìu dương vật) đem sấy khô "bổ thận tráng dương" được xem là số dzách. Dân sành điệu cũng lý sự đối với hươu nai hoang dã đã vậy huống chi đối với hươu nuôi theo chuồng trại luôn tuân thủ theo chế độ... "một vợ một chồng". Một khi con đực không hao phí "sức chiến đấu" thì khí tích tụ càng lâu, càng thịnh. Một lý do khác khiến nhung hươu nai vùng núi này chưa dội hàng là người mua tận mắt kiểm chứng được lộc nhung còn tươi roi rói, tránh loại nhung đã xài qua tay. Vả lại thị trường thuốc tăng cường sinh lực vốn thượng vàng hạ cám, nhiều chủng loại không biết công dụng thực hư thế nào. Thế nên, nhiều người đổ dồn đi mua nhung cho chắc ăn. Tuy nhiên, rượu lộc nhung bốc hỏa mạnh thế nên những người âm hư mà hỏa dương mạnh hay bị bệnh huyết áp không nên dùng thứ này, nếu không tác hại thật khó lường. Nghe nói có anh chàng đó hơi yếu kém uống rượu nai vào bỗng trở nên mạnh mẽ lạ thường. Anh ta khoái quá quên cả chuyện thuốc bổ vẫn phải dùng có liều lượng nên sau khi uống liền mấy hớp, hậu quả là đang "tác chiến" giữa chừng máu huyết lưu thông bất ổn khiến gặp "sự cố".

Theo ông Trung, quanh chuyện mua bán cũng không ít chuyện khôi hài. Đó là, có người quan niệm "sức mạnh từ gốc", lại có người khẳng định "mạnh yếu gì cũng từ ngọn mà ra". Từ đó mới xảy ra cảnh giành nhau lấy phần gốc hay phần ngọn của lộc nhung. Cũng có người quan niệm, hươu nai có hai sừng - một âm một dương điều hòa nhau - nên mua là phải mua có đôi có cặp, mua đơn lẻ không hữu dụng. Càng bàn bạc thì... người nuôi càng khoái trong bụng (!). Ông Trung nói: "Ngoài bán rượu nhung chúng tôi còn tính tới chuyện khác nghe ông. Đó là khi du lịch Nước Sốt được các nhà đầu tư thi công hoàn chỉnh tụi này sẽ ăn ké mở thêm quầy bán cháo lộc nhung cho khách du lịch". Mà cháo lộc nhung nghe ông Trung nói xong tôi muốn tái mặt, một tô cháo với miếng nhung cắt mỏng giá bèo nhất cũng 100 ngàn đồng ! Thôi thì tới chừng đó cũng ráng thử xem

Công dụng chữa bệnh của nhung hươu nai

Từ lâu, y học cổ truyền đã biết tác dụng của nhung hươu nai và ứng dụng vào trị bệnh, tuy nhiên kết quả cũng có giới hạn. Hiện nay, y học vẫn tiếp tục nghiên cứu dược tính của nhung hươu nhằm phát hiện thêm những tác dụng chữa bệnh mới.

Nhung hươu nai là sừng của hươu đực hay nai đực. Hàng năm, vào cuối mùa hạ, sừng hươu, nai rụng đi, mùa xuân năm sau mọc lại sừng mới. Sừng mới mọc rất mềm, mặt ngoài phủ đầy lông, sờ vào êm như nhung nên gọi là nhung hươu nai, bên trong chứa nhiều mạch máu. Nhung có thể chưa phân nhánh hoặc có nhánh, còn gọi là nhung yên ngựa (nhung mới bắt đầu phân nhánh, còn ngắn, bên dài bên ngắn).

Huyết nhung và nhung yên ngựa là quí nhất. Nhung cắt xong cần chế biến ngay, để lâu sẽ thối rữa. Người ta đã phân tích được thành phần hóa học của nhung hươu nai, gồm canxi cacbonat, canxi phosphas, chất keo, protid, kích tố (testosteron, pentocrin...), acid amin (hơn 17 loại).
 
Theo Tây y, nhung hươu giúp tăng sức mạnh cơ bắp, sảng khoái tinh thần, vết thương mau lành, ăn ngủ tốt, lợi niệu và tăng nhu động dạ dày - ruột, chuyển hóa tốt protid và glucid... Liều mạnh gây hạ huyết áp, làm tim co bóp mạnh, đập nhanh, giật cơ, co giật hay đông huyết.

Theo y học cổ truyền Việt Nam, nhung có tác dụng sinh tinh, bổ tủy, ích huyết; chữa các chứng hư tổn cơ thể, di tinh, liệt dương, vô sinh, bệnh lậu, giúp khỏe gân xương, tăng tuổi thọ... Từ lâu đời, các thầy thuốc Đông y Trung Quốc và Nhật đã dùng nhung như vị thuốc bổ, giúp cơ thể lâu già, chống co giật, chữa ung bướu, thấp khớp.


Nhung hươu nai tuy bổ nhưng không phải ai cũng dùng được. Những người không được dùng là: người gầy, trong mình nóng, thiếu máu hay mất máu nhưng nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường, viêm phế quản, khạc đờm vàng, sốt, bệnh truyền nhiễm.

Các bài thuốc có nhung hươu:

Chữa liệt dương, xuất tinh sớm, tiểu lắt nhắt, thai khó đậu, tứ chi lạnh, thắt lưng đau, gối mỏi: Nhung hươu 40 g (thái mỏng, giã nát), hoài sơn 40 g (giã nát). Cho vào túi vải, ngâm với 1 lít rượu trong 7 ngày, uống 10-20 ml/ngày. Khi hết rượu lấy bã tán mịn, vò viên uống.

Chữa tinh huyết khô kiệt, tai điếc, miệng khát, đau lưng, tiểu như nước vo gạo: Nhung hươu 40 g, đương qui 40 g, cả 2 sao khô, tán bột. Lấy thịt ô mai nấu thành cao trộn với bột trên, vo viên bằng hạt bắp, người lớn uống 50 viên/ngày, chia thành 2-3 lần, uống với nước cơm còn ấm.

Chữa trẻ em chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng: Bột nhung 0,5 g x 2 lần/ngày.
Giúp kéo dài tuổi thọ (dùng thường xuyên và đúng chỉ định): Bột nhung 0,3-1 g x 2-3 lần/ngày.

Để nhận biết nhung thật, sơ bộ có thể xem chỗ mặt cắt. Mặt cắt nhung thật sạch, trắng, có lỗ nhỏ như tổ ong, rìa ngoài không có chất xương, mùi tanh, vị mặn.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Nhung nai làng Châu Sơn

Hiện nay, so với Nghệ An, Phú Yên và Đồng Nai, Đắc Lắc cũng là một trong những địa phương phát triển nghề nuôi nai với số lượng nhiều nhất nước, giúp cho bà con vùng đất Tây Nguyên này có thêm thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhung nai không những làm dược liệu phục vụ sức khỏe cho con người mà còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. 
  • Thăm “làng nhung nai”
Con nai đực 18 tuổi nhà ông Hoàng Xuân Di đã cho cặp nhung hơn 6,5kg. 
Một người bạn là hướng dẫn viên du lịch của Đắc Lắc dẫn tôi đến tham quan “làng nhung nai” thuộc xã Cư Ea Buôr, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 1km.
Hiện nay, toàn xã Cư Ea Buôr và các địa phương lân cận có trên 200 hộ nuôi nai, trong đó hộ nuôi ít nhất là 2 con (1 con đực, 1 con cái), hộ nhiều nhất có 10 con.

Đầu tiên chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Bá Viện, một hộ nuôi nai lấy nhung nổi tiếng của vùng này từ năm 1986 với đàn nai 10 con.

Ông Viện cho biết: “Nhờ nhung nai mà tôi đã có nhà cửa khang trang cùng hơn 4ha cà phê, nuôi được bốn đứa con lớn tốt nghiệp đại học (ông có 8 người con – PV) và đã có việc làm”. Vì thế, ông Viện được bà con ở địa phương và bạn bè trong giới gọi là “ông Viện nai”. Ông Viện dẫn chúng tôi ra thăm đàn nai và giới thiệu quy trình nuôi và chăm sóc nai để lấy nhung.

Giá một con nai cái giống 3 tháng tuổi hiện nay từ 8 – 10 triệu đồng, nai đực 15 triệu đồng. Nhung nai ra lần đầu gọi là trốc, dài khoảng 10cm sẽ được cắt để cả nhà dùng, xem là thành quả đầu tiên của công chăm sóc nai. Lần mọc tiếp theo, nhung được dưỡng từ 60 – 70 ngày sẽ thu hoạch.

Theo các lương y, nhung nai thu hoạch lần đầu (sau lần thu trốc) và lần hai rất tốt, có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, nếu thu hoạch nhung non thì nhà nông không được nhiều lợi nhuận. Ông Viện cho biết, nai là loài ăn tạp nên rất dễ nuôi. Thức ăn của nai đa dạng và dễ kiếm như cỏ tươi, cỏ khô, các loại củ, quả, các loại vỏ trái cây như mít, bơ… nên ít tốn kém. Nai thường mắc các bệnh đường ruột nhưng cũng dễ điều trị, nhất là bệnh hốt hoảng khi có tiếng động hoặc bị tấn công.

Quay trở lại phòng khách, rót mấy chén trà, ông Viện kể về những ngày đầu khởi nghiệp và thời “hoàng kim” của nhung nai trong thập niên 90. Thời bao cấp lao động cật lực mà cũng không đủ ăn, vợ chồng ông quyết định bán nốt những gì có giá trị để lấy vốn đủ mua một cặp nai giống về nuôi. Sau 2 năm, lần bán nhung đầu tiên, vợ chồng ông sắm được 4 chỉ vàng 24k và từ đó doanh thu cứ tăng dần nên có được cơ ngơi như ngày nay.

Sau đó, ông Viện tiếp tục dẫn chúng tôi đến nhà ông Hoàng Xuân Di cũng là một trong những hộ nuôi nai thâm niên trên 20 năm ở Cư Ea Buôr. Hiện nay, trong đàn nai nhà ông Di có con nai đực 18 tuổi, đang giữ kỷ lục ở địa phương này vì đã từng cho cặp nhung nặng hơn 6,5kg.

Chúng tôi tiếp tục đến thăm đàn nai nhà anh Cường, nhà chị Hằng là những hộ nuôi khá nhiều nai ở đây. Anh Cường chỉ cho chúng tôi xem mấy cặp nhung nai đã trên 50 ngày và bảo đã có người hỏi mua nhưng anh tiếc vì nhung đẹp và chưa đủ ngày cắt. Theo các hộ nuôi nai, một cặp nhung đẹp thường có kích thước dài và hình dáng cân đối, sao cho hai nhánh hai bên tạo nên hình góc nhọn để có thể giữ chiếc sào gác lên cặp nhung con nai đi mà không bị rơi.
  • Cưa sừng làm... thuốc
Cắt nhung nai. 
Biết chúng tôi mong muốn tận mắt xem cảnh cắt nhung nai nhưng ông Viện đành hẹn chúng tôi sáng hôm sau quay lại vì muốn cắt nhung phải nhờ đến hơn chục thanh niên hàng xóm hỗ trợ.
Đúng 7 giờ sáng hôm sau, chúng tôi có mặt tại thôn 2 thuộc Giáo xứ Châu Sơn, xã Cư Ea Buôr. Các thanh niên đã sẵn sàng tại nhà ông Viện. Họ dùng dây dù làm vòng giật hai chân sau của chú nai đực gần trăm ký lô cho nó té xuống đất rồi hè nhau xúm vào đè con nai để cắt nhung.

Điều đặc biệt là nai rất nhát nên khi có người tấn công nai cứ chạy xà quần quanh chuồng nhưng luôn bảo vệ cặp nhung không bị trầy sước. Một anh dùng cưa cắt sát chân nhung làm chú nai đực đau đớn kêu thét lên.

Những giọt máu tươi từ chân nhung tứa ra được hứng vào bình rượu, đó là “món quà” mà gia chủ trả công cho hàng xóm trong một buổi đánh chén sau đó. Máu nai rất bổ nên rượu pha huyết nai là món khoái khẩu của phái mày râu, nên nó được đặt một cái tên nghe rất vui là “rượu đẩy”. Chú nai đực sau khi bị cưa sừng nước mắt chảy ròng vì đau đớn, máu nơi vết thương chảy lênh láng mặc dù đã được cầm máu bằng các loại cây thuốc nam.

Nhung nai có tác dụng bổ thận, bổ thần kinh, trị bệnh khớp, trị đau dạ dày, đường ruột, bài tiết, bệnh tim mạch, lao phổi, viêm xơ gan, vữa cột sống, phụ nữ sau khi sinh bị mất sữa, bồi bổ sức khỏe, làm mạnh gân cốt, vết thương mau lành, ngăn ngừa bệnh tật… Đặc biệt, nhung nai còn có tác dụng đại bổ nguyên dương, sinh tinh cường cân cho giới mày râu…

Nhung nai sau khi cắt đem ngâm rượu khoảng một tuần thì có thể dùng hoặc sấy khô rồi thái mỏng nấu cháo cho người cao tuổi ăn bồi dưỡng sức khỏe. Ngoài ra, Đông y còn có các bài thuốc bào chế dạng thuốc tễ từ nhung nai để giúp người bệnh dùng dễ dàng mà không cần ăn nhung trực tiếp trong trường hợp bệnh kéo dài. Tuy nhiên, việc lạm dụng dùng nhung nai cũng gây tác dụng ngược với những người không có nhu cầu sử dụng.

Hiện nay, bên cạnh những nguồn lợi thu được từ việc nuôi nai, nhiều hộ nông dân nuôi nai mang nỗi lo nhung rớt giá bởi đầu ra chỉ là con đường tiểu ngạch hoặc khách hàng mua lẻ. Các đầu nậu thu gom với giá trôi nổi để bán cho khách đặt hàng làm quà biếu, cung cấp cho nhà hàng hoặc xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, người dân đang trông chờ các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ việc đăng ký nguồn gốc nuôi động vật hoang dã để có thể xuất khẩu nhung nai, hầu tăng lợi nhuận cho bà con nông dân bởi họ không chủ động được đầu ra.  
(SGGP)